Doanh nghiệp phổ biến phim trên không gian mạng: Cần chủ động và nâng cao trách nhiệm
VHO- Trước bối cảnh đời sống phim ảnh trên không gian mạng ngày càng phát triển, hành lang pháp lý trong lĩnh vực này ngày càng phải chặt chẽ, nhằm tăng cường sự chủ động, chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp phổ biến phim. Đây cũng là đối tượng được hướng đến một cách cụ thể tại Hội nghị Phổ biến các quy định pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện ảnh được Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Cục Điện ảnh tổ chức vào cuối tuần qua.
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp phổ biến phim trên không gian mạng tham gia Hội nghị
Sớm đưa hành lang pháp lý vào cuộc sống
Ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL nhấn mạnh, nhằm siết quản lý phim trên không gian mạng, Luật Điện ảnh 2022 và những quy định pháp luật liên quan có nhiều điểm mới. “Hội nghị với sự có mặt của các đơn vị, doanh nghiệp phổ biến phim trên không gian mạng nhằm phổ biến những nội dung này. Từ việc nắm bắt đầy đủ các quy định mới, các tổ chức, doanh nghiệp sớm triển khai, đưa hành lang pháp lý đi vào cuộc sống. Đây là giai đoạn chuẩn bị, thời gian bắt buộc triển khai sẽ từ 1.1.2024”, ông Liêm nói.
Ông Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh nêu, Luật Điện ảnh năm 2022 có nhiều thay đổi căn bản trong quản lý phim trên không gian mạng. “Trước khi phổ biến phim, các doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ VHTTDL hoặc cơ quan được Bộ VHTTDL ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng”, ông Việt nhấn mạnh.
Các chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng cần tuân thủ đầy đủ các quy định như thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ VHTTDL trước khi thực hiện phổ biến trên không gian mạng; thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phù hợp với độ tuổi… Đồng thời, doanh nghiệp phổ biến phim có trách nhiệm cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng dịch vụ. Gỡ bỏ phim vi phạm quy định điều cấm tại Luật Điện ảnh và quy định pháp luật khác khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ông Việt cũng cho biết, tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số để phổ biến phim tại Việt Nam có trách nhiệm triển khai các giải pháp kỹ thuật, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm. Tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông có trách nhiệm ngăn chặn truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thực tế cho thấy, công tác quản lý phim trên không gian mạng thời gian trước khi các quy định pháp luật mới được ban hành còn nảy sinh nhiều bất cập. Cơ quan chức năng khi phát hiện hoặc nhận được báo cáo phim vi phạm đã phối hợp, gửi Công văn cho Bộ TT&TT yêu cầu đơn vị cung cấp gỡ bỏ phim vi phạm. Có thể kể đến một số phim đã gỡ bỏ như: Polar (Sát thủ tái xuất), Mỹ sản xuất năm 2019, phổ biến trên ứng dụng Netflix, gỡ do yếu tố bạo lực, tình dục; Madam Secretary (Bà Thư ký), phim dài tập của Mỹ sản xuất năm 2014, phổ biến trên ứng dụng Netflix, có yếu tố chính trị; Little Women (Ba chị em), phim dài tập do Hàn Quốc sản xuất năm 2022, phổ biến trên ứng dụng Netflix, gỡ do xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam…
Năm 2022, phim “Ba chị em” bị Netflix gỡ khỏi nền tảng ứng dụng do nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam thu hút sự chú ý của dư luận
Phim vi phạm nội dung cấm phải gỡ trong 24 giờ
Đại diện các doanh nghiệp phổ biến phim trên không gian mạng bày tỏ sự quan tâm đến các quy định cụ thể, như điều kiện tự phân loại phim, gỡ bỏ phim vi phạm. Theo Luật Điện ảnh năm 2022 và Nghị định số 131/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật, Bộ VHTTDL có thẩm quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng thực hiện dừng, gỡ bỏ phim vi phạm chậm nhất trong 24 giờ đối với các phim có nội dung bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh và các quy định khác của pháp luật, trong 3-5 ngày đối với các nội dung vi phạm khác.
Các tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số có trách nhiệm thực hiện triển khai các giải pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh và quy định khác của pháp luật có liên quan; Ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm chậm nhất trong 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ VHTTDL. Tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông phải bảo đảm thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn truy cập phim vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ VHTTDL khi phát hiện phim phổ biến trên không gian mạng có nội dung vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam. Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các vi phạm đã được xử lý theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ VHTTDL. Thời gian hoàn thành chậm nhất không quá 3 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu.
Phim phổ biến trên không gian mạng phải được hiển thị mức phân loại phim trong quá trình phổ biến, trừ phim phân loại P. Cơ sở điện ảnh phải hiển thị mức phân loại phim ở thư mục giới thiệu/hiển thị chương trình trên giao diện màn hình của thiết bị để người nghe, người xem đưa ra quyết định nghe, xem phim cung cấp trên dịch vụ, đảm bảo mức phân loại phim được hiển thị rõ ràng và nổi bật. Mức phân loại phim phải được hiển thị ở góc trái hoặc góc phải phía trên màn hình trong suốt thời gian phổ biến phim, bảo đảm không chồng lấn với biểu tượng của dịch vụ hoặc các biểu tượng khác.
Cũng theo ông Đỗ Quốc Việt, Nghị định số 131/2022/NĐ-CP lưu ý, trường hợp doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện thực hiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng có kết quả phân loại phim không phù hợp với kết quả do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL thực hiện khi kiểm tra thì cần thực hiện sửa đổi, cập nhật kết quả phân loại theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL. Đồng thời, được coi là chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim khi kết quả phân loại, hiển thị kết quả phân loại không phù hợp với kết quả phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL quá 5 lần trong vòng 1 tháng đối với loại P, T18, T16, T13 và 2 lần trong 6 tháng đối với Loại C.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức đã đặt các câu hỏi về tiêu chí của việc tự thực hiện phân loại phim; phim đã được đài truyền hình duyệt liệu có phải phân loại trước khi phổ biến trên các nền tảng không gian mạng khác… Đại diện BHD trao đổi, để các doanh nghiệp phổ biến phim trên mạng tự tin khi thực hiện việc tự phân loại, cần rõ ràng các mức độ thế nào là bạo lực, thế nào là kinh dị, loạn luân… “Trong nhiều trường hợp nhà làm phim, phổ biến phim và nhà quản lý có khoảng chênh về nhận định, đánh giá các mức độ để phân loại. Do vậy sẽ dễ bị sai phạm”, đại diện đơn vị này nêu.
Ông Đỗ Quốc Việt phổ biến, Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo được áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim, trong đó bao gồm cả phổ biến phim trên không gian mạng. Bên cạnh 6 mức phân loại phim: P, K, T13 (13+), T16 (16+), T18 (18+) và C, Thông tư quy định 5 nguyên tắc chung và 7 tiêu chí để đánh giá mức phân loại bao gồm: Tiêu chí về chủ đề, nội dung; tiêu chí về bạo lực; tiêu chí về khỏa thân, tình dục; tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; tiêu chí về kinh dị; tiêu chí về ngôn ngữ thô tục; tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.
Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, những điều kiện và quy định về phổ biến phim trên không gian mạng rất cởi mở cho các tổ chức, doanh nghiệp. Ông Liêm đề nghị, các đơn vị, doanh nghiệp nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động để việc triển khai thực hiện các quy định mới của pháp luật đạt hiệu quả cao.
Trước khi phổ biến phim, các doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ VHTTDL (hoặc cơ quan được Bộ VHTTDL ủy quyền) thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng. (Ông ĐỖ QUỐC VIỆT, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh) |
HÀ PHƯƠNG